Bà bầu tháng thứ 7 cần đảm bảo cung cấp đủ lượng mỡ. Dầu động vật, thực vật đều tích chứa hàm lượng mỡ rất phong phú. Thông thường, khi nấu ăn chủ yếu nên dùng dầu thực vật, như dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng, dầu rau cải… cũng có thể dùng một ít dầu động vật, cũng như trực tiếp ăn lạc, vừng…
Thời điểm này, thai phụ mỗi ngày nên ăn từ 4 - 5 lần, nhưng mỗi lần ăn không nên ăn quá no, giúp cho việc hấp thụ dinh dưỡng trong cơ thể dễ dàng hơn và bụng không phải mang theo lượng thức ăn quá lớn gây mệt nhọc.
Từ giờ cho đến lúc sinh, nhu cầu dinh dưỡng cho bào thai tăng mạnh; vì thế, bạn cần ăn thêm khoảng 840kalo mỗi ngày để đảm bảo bé nhận đủ dinh dưỡng từ mẹ.
Tăng cường các loại vitamin như A, B, B1, B2, C, E, D…
Mang thai tháng thứ 7, cân nặng của mẹ nên tăng 8-10kg. Nếu tăng cân vượt quá ngưỡng trên, bạn nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để giữ tốc độ tăng cân hợp lý và dễ dàng khôi phục vóc dáng sau sinh.
Một số bà bầu cho biết thường bị chuột rút trong giai đoạn này, vì vậy bà bầu cần để ý đến lượng canxi và photpho nạp vào cơ thể. Thiếu canxi hay quá thừa photpho (chất được tìm thấy trong nước ngọt, snack và thịt chế biến sẵn) cũng làm chuột rút nặng hơn. Để giảm chuột rút, nên bổ sung thức ăn giàu canxi như sữa, phômai, cá hồi, cá ngừ đóng hộp (ăn cả xương), súp lơ xanh.
Các bà bầu nhớ khám thai đều đặn, hỏi bác sĩ về những thay đổi bất thường của cơ thể. Nên tham gia lớp học tiền sản để chuẩn bị những kỹ năng sinh nở, cách tắm bé, cho bé bú đúng cách… để chuẩn bị sẵn sàng đón bé yêu chào đời.